Đột quỵ khiến người bệnh mất đi 3,7 năm tuổi thọ trong một giờ. Sau cơn đột quỵ não bị tàn phá, có thể già thêm tương đương quá trình lão hóa tự nhiên 37 năm. Đột quỵ tái phát sẽ khiến người bệnh đối mặt với tàn phế suốt đời.
Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, tại đây vừa tiếp nhận 7 ca tái phát đột quỵ vào cấp cứu. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay, 7 ca tái phát vừa vào cấp cứu đều bỏ thuốc, đều nặng hơn lần trước, có cả người trẻ, người già. Những lần đột quỵ sau chắc chắn nặng hơn lần trước.
Nằm trên giường bệnh với nửa người bên trái đang bị liệt nặng, anh N.V.T (43 tuổi, Nghệ An) phát hiện cao huyết áp từ năm 28 tuổi, nguyên nhân vô căn. Bệnh nhân có tới trạm y tế và bệnh viện tuyến huyện lĩnh thuốc điều trị, nhưng thấy huyết áp không hạ nên không sử dụng thuốc nữa.
Tình trạng của anh ngày càng tệ hơn do thuốc là mệt mỏi, choáng, chóng mặt, nói khó, yếu tay chân bên phải, huyết áp đo lên tới 230. “Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng chảy máu não do tăng huyết áp rồi được chuyển tới bệnh viện chúng tôi. Bệnh nhân có chia sẻ rất hối hận vì biết mình sẽ phải đối mặt với khả năng liệt nửa người”, bác sĩ Dũng nói.
Tuổi còn rất trẻ, nam bệnh nhân N.V.T (sinh năm 1993, Ninh Bình) bất ngờ rơi vào tình trạng liệt nặng nửa người bên phải do nhồi máu não. Bệnh nhân được xử trí cấp cứu và điều trị tích cực tại Trung tâm Đột quỵ 10 ngày, sau đó điều trị nội khoa và tập phục hồi chức năng tích cực.
Sau 1,5 tháng điều trị, anh T. phục hồi tốt được xuất viện, bác sĩ kê đơn thuốc uống tại nhà, hẹn 1 tháng sau đến khám. Tuy nhiên, bệnh nhân chủ quan không tái khám và không uống thuốc dự phòng tái phát đột ngột khiến 5 ngày sau, anh lại bị liệt nửa người, méo miệng, nói ngọng và tiếp tục được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Đột quỵ.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Dũng cho hay, bệnh nhân bị nhồi máu não tái phát. Đáng tiếc lần này bệnh nhân liệt nặng hơn, liệt nửa người một bên và vận động rất kém. Tiên lượng hồi phục khó khăn hơn rất nhiều so với lần trước.
Cùng vào cấp cứu vì đột quỵ tái phát là chị N.T.H (44 tuổi, Kim Bảng, Hà Nam) có tiền sử mổ thay van tim 2 lá cơ học, đã bị đột quỵ nhồi máu não cách đây 5 năm nhưng hồi phục tốt. Vì có bệnh tim nên chị phải duy trì thuốc kháng đông suốt đời và cần phải đi khám định kỳ để chỉnh liều thuốc chống đông.
Cũng như anh T., chị H. chủ quan, 6 tháng qua không đi khám lại để điều chỉnh liều, mà tự ý cứ duy trì 1 đơn thuốc cũ trước đó. Hậu quả là vừa qua, bệnh nhân vào nhập viện vì nhồi máu não tái phát, xét nghiệm chỉ số đông máu không đạt mục tiêu điều trị. Tiên lượng của bệnh nhân lần này nặng hơn so với lần trước.
Trung bình một ngày, Trung tâm tiếp nhận từ 50-60 ca đột quỵ nặng từ các tuyến chuyển lên, trong đó có nhiều bệnh nhân rất chủ quan với sức khoẻ của mình.
Theo chuyên gia này, bệnh nhân đột quỵ sau khi được điều trị ổn định đều được dặn rất kỹ về việc uống thuốc phòng ngừa tái phát và tuân thủ tái khám đúng lịch. Tuy nhiên, không ít người chủ quan với sức khỏe, bỏ qua đi khám, quên uống thuốc.
“Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ, nhưng nhiều người gần như không biết chỉ số huyết áp của mình, không thăm khám và không đo huyết áp. Có người biết mình bị huyết áp cao, nhưng lại chủ quan bỏ mặc, khiến họ phải đối mặt với tình trạng xấu hơn cho sức khỏe”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Theo Hội Đột quỵ Hoa Kỳ, tái phát đột quỵ có thể phòng ngừa được và tỷ lệ thành công rất cao, có 80% người đột quỵ có khả năng phòng ngừa tái phát thành công.
Do đó, bác sĩ Dũng nhấn mạnh, người từng bị đột quỵ phải tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ. Người dân phải biết cách nhận diện triệu chứng đột quỵ, chịu khó lắng nghe cơ thể và ghi nhớ dấu hiệu đột quỵ; khi đã nghi ngờ mình đột quỵ phải khẩn trương, nhanh chóng, đừng chần chừ mất thời gian mà vào viện ngay.
Người dân hãy đo huyết áp thường xuyên (kể cả người trẻ) và hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình để phòng tránh bệnh đột quỵ và các biến chứng khác của tăng huyết áp như suy tim, phình và bóc tách động mạch chủ, nhồi máu cơ tim…
Nguồn: Nhandan.vn